Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Vụ Bí thư Huyện ủy Hồng Ngự bảo kê khai thác cát: Đề nghị truy tố 10 bị can

Nguyễn Hồng Lâm, Nguyễn Văn Mương

Theo kết luận điều tra, lúc 19 giờ 30 ngày 18-10-2012, Công an tỉnh Đồng Tháp bắt quả tang ba phương tiện sà lan cần cẩu đang khai thác cát trái phép tại bãi bồi Thường Thới Tiền gồm: phương tiện sà lan cần cẩu của ông Phạm Văn Nhẫn cho Nguyễn Văn Mương, ngụ thị xã Hồng Ngự thuê khai thác cát; sà lan cần cẩu của ông Phạm Thanh Sơn, sà lan cần cẩu của ông Nguyễn Văn Lãnh cho Nguyễn Hoàng Hải, ngụ thị xã Hồng Ngự thuê. Phòng Kỹ thuật pháp chế (Đoạn quản lý đường thủy nội địa số 15, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) đã xác định địa điểm ba phương tiện cần cẩu nói trên khai thác cát sông trái phép. Qua đó, khu vực bãi bồi Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự được UBND tỉnh Đồng Tháp cấp giấy phép cho Công ty xây lắp và vật liệu xây dựng Đồng Tháp khai thác cát. Nhưng do yêu cầu san lấp mặt bằng trên địa bàn huyện Hồng Ngự, nên đơn vị này có hỗ trợ cho UBND huyện Hồng Ngự được khai thác cát một phần tại bãi bồi Thường Thới Tiền, và UBND huyện Hồng Ngự giao cho Công ty TNHH Ngự Bình khai thác. Đến cuối tháng 10-2011, giấy phép khai thác hết hạn.

Ba sà lan khai thác cát bị bắt giữ

Tuy nhiên, ông Quốc không bỏ qua cơ hội đã báo cáo đề xuất với ông Ngô Xuân Cảnh cho ba phương tiện cần cẩu khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền, thu 30 triệu đồng/phương tiện/tháng. Từ tháng 11-2011 đến tháng 9-2012, Quốc đã thu của Mương, Hải và Sơn với tổng số tiền là 780 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Tháp xác định, các phương tiện cần cẩu khai thác cát trái phép tại bãi bồi Thường Thới Tiền gây thiệt hại tài nguyên cát có giá trị gần 10,9 tỷ đồng (không xuất hóa đơn để nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường). Ngoài ra, Quốc còn chỉ đạo Phạm Thanh Dân và Lương Công Thành bán cát lẻ cho các ghe tự bơm hút với tổng số tiền trên 1,1 tỷ đồng (có xuất hóa đơn GTGT, nộp thuế GTGT, thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí bảo vệ môi trường) với tổng số tiền trên 598 triệu đồng, còn lại lợi nhuận gần 469 triệu đồng nhập quỹ công ty.

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, các bị can Nguyễn Văn Mương, Phạm Thanh Sơn, Nguyễn Hoàng Hải, Nguyễn Minh Triết biết giấy phép khai thác cát hết hạn, ý thức được việc khai thác trái phép là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn quan hệ với Quốc đưa phương tiện vào khai thác cát để thu lợi bất chính. Trong đó, Nguyễn Văn Mương khai thác cát trái phép gây thiệt hại tài nguyên có giá trị gần 3,7 tỷ đồng; Phạm Thanh Sơn khai thác cát trái phép gây thiệt hại tài nguyên trên 5,2 tỷ đồng; Nguyễn Hoàng Hải khai thác cát trái phép gây thiệt hại tài nguyên gần 2 tỷ đồng. Riêng Nguyễn Minh Triết quan hệ với Mương để đưa phương tiện vào khai thác cát nhằm thu lợi bất chính và Triết có nộp cho Mương 480 triệu đồng.

Đối với hai bị can Nguyễn Hồng Lâm và Ngô Xuân Cảnh là lãnh đạo địa phương, nhưng đã chủ trương hoặc được giao quản lý hoạt động của Công ty TNHH Ngự Bình, dù giấy phép khai thác cát của công ty đã hết hạn. Nguyễn Hồng Lâm chủ trương khoán cho ba phương tiện cần cẩu khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền, cũng như có sự đồng ý của bị can Ngô Xuân Cảnh để công ty thu 30 triệu đồng/phương tiện/tháng và bán cát lẻ cho nhiều ghe tự bơm hút trong thời gian khá dài, gây thiệt hại tài nguyên cát có tổng giá trị gần 12 tỷ đồng. Hành vi nêu trên của các bị can Quốc, Dân, Thành, Mương, Sơn, Hải, Triết, Lâm, Cảnh đã vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên.
Đối với bị can Dương Trung Kỉnh là Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường, đồng thời là Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành về khai thác cát sông trên địa bàn huyện, khi phát hiện Công ty TNHH Ngự Bình khai thác cát tại bãi bồi Thường Thới Tiền không có giấy phép, nhưng do nể nang và chấp hành sự chỉ đạo của Bí thư và Phó bí thư thường trực Huyện ủy Hồng Ngự, nên không xử lý theo quy định của pháp luật. Hành vi trên của bị can Kỉnh đã phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét